Tìm kiếm

Vượt qua nỗi sợ thay đổi

Photo by Jeremy Bishop on Unsplash

Table of Contents

Đa số chúng ta đều sợ thay đổi. Trước 1 sự thay đổi nào đó, trong chúng ta luôn xuất hiện hàng loạt câu hỏi, sự ngờ vực bản thân. Và từ đó, tâm trí của chúng ta sẽ tự vẽ ra hàng loạt viễn cảnh “tồi tệ và khủng khiếp” nhằm “khuyến khích” chúng ta hãy từ bỏ đi, hãy chạy trốn đi. Nếu không biết cách tự thoát ra khỏi cái “hố đen ngờ vực và hoảng sợ” này, chúng sẽ khiến cho ta cảm thấy rằng sự thay đổi sắp tới là 1 sai lầm, và trốn tránh là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề.

Vì sao chúng ta sợ thay đổi?

Viêc sợ thay đổi là 1 phần tính cách của mỗi con người. Đừng tự trách bản thân và đừng nghĩ rằng mình là 1 kẻ yếu đuối nếu bạn rơi vào tình huống này. Nỗi sợ này là “đặc sản” của quá trình tiến hóa của con người. Trước khi làm chủ được thiên nhiên, tổ tiên của chúng ta phải chiến đấu và chống chọi với rất nhiều môi nguy hiểm đến từ môi trường xung quanh. Lúc này, những cái mới luôn đi kèm với sự nguy hiểm, và để bảo đảm sự sinh tồn của mình, cơ thể chúng ta sinh ra 1 cơ chế ngăn cản bản thân tìm hiểu và khám phá những cái mới, và điều này có vẻ như đã có hiệu quả trong suốt hàng ngàn năm qua.

Tuy nhiên, theo thời gian, mọi thứ đã thay đổi, ngày nay, con người chúng ta đã làm chủ được thiên nhiên. Nếu muốn khám phá 1 điều gì đó, chúng ta không cần phải đem cả tính mạng của mình ra để liều lĩnh như cái cách mà tổ tiên của chúng ta đã làm, nhưng không vì thế mà cái sản phẩm di chuyền “sợ thay đổi” kia sẽ tự mất đi, vì 1 sản phẩm của quá trình tiến hóa hàng ngàn năm thì có lẽ cũng sẽ cần bằng ấy thời gian để tự nó biến mấy, và không ai trong chúng ta sống đủ lâu để có thể chờ được việc này.

Thế kỉ 21 cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ đã tạo ra những nỗi sợ mới, và 1 trong số chúng là nỗi sợ của sự tụt hậu. Mỗi chúng ta đang tham gia vào 1 cuộc đua, mà kẻ chậm chân, không theo kịp với bước tiến của thời đại sẽ bị đào thải. Để phát triển và thích nghi với thời đại mới, chúng ta cần phải thay đổi. Chúng ta biết thay đổi là cần thiết, tâm trí, đầu óc của chúng ta đều hiểu điều đó, thế nhưng đứng trước những sự thay đổi, tại sao chúng ta vẫn cảm thấy sợ, vì sao ta không thể loại bỏ được nỗi sợ này.

Lý do cho việc này là bởi cái “sản phẩm di chuyền” kia nó đã thấm sâu vào từng tế bào của chúng ta. Bộ não của con người thật kỳ diệu, nhưng nó không có khả năng điều khiển từng tế bào trong cơ thể. Tuy nhiên, đây không phải là dấu chấm hết, chúng ta không thể loại bỏ được việc “sợ thay đổi”, nhưng chúng ta có thể chọn cách để đối mặt với nó.

Trong cuộc sống, tôi đã đứng trước nhiều sự thay đổi quan trọng của cuộc đời mình, và đứng trước những thay đổi đó, tôi luôn cảm thấy sợ. Dưới đây là cách mà tôi đã vượt qua được việc “sợ thay đổi”, và tôi hi vọng rằng chúng cũng sẽ có hiểu quả đối với bạn.

Bước 1: Trả lời câu hỏi “Vì sao bạn muốn thay đổi?”

Vì sao chúng ta muốn thay đổi?
“Cuộc sống hiện tại của tôi là 1 chuỗi hành động lặp đi lặp lại nhàm chán, tôi không tìm được niềm vui từ nó. Tôi chán ghét cuộc sống này, tôi muốn sống 1 cuộc sống thú vị, ý nghĩa hơn…”
“Tôi ghét việc phải ngồi yên 1 chỗ, tôi thích được đi du lịch khắp nơi, được khám phá những điều mới...”
“Tôi không thích công việc hiện tại của mình, ở đây tôi không có cơ hội, tôi muốn một công việc khác tốt hơn, có nhiều cơ hội phát triển hơn…”
Bạn có thấy được hình ảnh của mình trong những câu chuyện trên không?

Chúng ta muốn thay đổi bởi vì chúng ta không hài lòng với cuộc sống hiện tại. Và thử tưởng tượng xem nếu chúng ta phải tiếp tục sống như vậy thêm 20, 30 năm nữa thì sẽ như thế nào? Liệu bạn và tôi có muốn tiếp tục sống như vậy không? Nếu câu trả lời là KHÔNG, thì cả tôi và bạn đều hiểu rằng đã đến lúc phải thay đổi.

Bước 2: Nhìn nhận rằng chạy trốn không phải là cách giải quyết vấn đề

Tôi biết là mình không thích cuộc sống hiện tại, tôi muốn thay đổi, nhưng sao tôi vẫn cảm thấy sợ, liệu có cách nào khác không? Đáng tiếc câu trả lời là KHÔNG. Nếu bạn từ chối đối mặt với nỗi sợ, có thể bạn sẽ cảm thấy thoải mái trong chốc lát, nhưng vấn đề của bạn vẫn còn đó và vẫn sẽ tiếp tục đeo bám bạn. Tôi gọi việc này là “sự thoải mái độc hại” vì chúng sẽ hủy hoại cuộc sống của bạn, giống như cái cách chúng ta lạm dụng chất kích thích để trốn tránh các vấn đề của bản thân.

“Cảm giác thoải mái” đó sẽ đánh lừa chúng ta, chúng làm ta nghĩ rằng chúng ta vẫn ổn và chúng ta đã chọn lựa đúng. Thế nhưng cảm giác đó sẽ sớm chấm dứt, và rồi vấn đề của chúng ta lại xuất hiện, và ta lại phải tiếp tục trốn tránh nó, để rồi chúng ta sẽ bị kẹt mãi trong cái vòng lặp “gặp khó khăn -> trốn tránh -> lại gặp khó khăn -> lại trốn tránh …”. Cách tốt nhất để giải quyết vấn đề chính là phải đối mặt với vấn đề.

Bước 3: Lên kế hoạch cho điều tồi tệ nhất

Chúng ta sợ điều mà mình không biết, và để giảm bớt nỗi sợ này, hãy cố gắng làm cho những cái không biết kia trở nên quen thuộc. Thử hình dung xem điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là gì và lên phương án đối phó với chúng, và cứ lặp lại việc này nhiều nhất có thể. Sau mỗi lần lên kịch bản như vậy, chúng ta sẽ dần quen thuộc với vấn đề của mình.

Bằng việc lên kế hoạch, chúng ta đã có sự chuẩn bị trước cho những tình huống có thể xảy ra. Việc này giúp chúng ta chủ động được trong các tình huống, thông qua đó mà cảm giác lo lắng, sợ hãi cũng bớt đi.

Bước 4: Đi đến phòng gym

Các hoạt động về thể chất là 1 trong những cách tốt nhất để xả stress cũng như là thử thách bản thân. Việc thử thách và vượt qua giới hạn của bản thân có tác dụng tâm lý giúp bạn cảm thấy mạnh mẽ và tự tin hơn.

Tôi thích đến phòng gym vì ở đây cho tôi được cảm giác “vượt ngưỡng“. Đó là việc chúng ta liên tục đặt ra cho mình những giới hạn mới, và không ngừng chinh phục nó. Bạn có thể chọn cho mình bất kỳ hoạt động nào mà mình thích, miễn là nó bắt bạn phải thử thách và chiến thắng chính mình.

Bước 5: Tận hưởng sự lo lắng

Bạn đã từng xem bộ phim hoạt hình Inside Out của Disney chưa? Về phần mình thì đây là 1 trong những bộ phim mà tôi thích nhất. Thông qua bộ phim, tôi học được rằng, không có cảm xúc tốt, và cũng không có cảm xúc xấu, mọi cảm xúc đều có ý nghĩa của nó. Chúng ta lo lắng về 1 điều gì đó tức là chúng ta thực sự quan tâm đến nó, và chúng thực sự có quan trọng với chúng ta.
Lo lắng giúp chúng ta chuẩn bị tốt hơn cho những điều sắp tới. Có 1 câu nói rằng “Lo lắng là huy chương của thành công“, cho nên bạn hãy tận hưởng nó nhé. Mọi việc cuối cùng rồi sẽ ổn thôi.

Kết

Trên đây là trải nghiệm của bản thân tôi về cách để đối mặt và vượt qua nỗi sợ thay đổi. Có thể những kinh nghiệm này không phù hợp hoàn toàn với các bạn, nhưng tôi hi vọng rằng những ý kiến của mình sẽ giúp được các bạn phần nào.

Mỗi khi sợ hãi, hãy chậm lại 1 nhịp, hít thở và mọi thứ rồi sẽ ổn thôi.

Cám ơn các bạn vì đã quan tâm đến bài viết này.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *