JustPassion

Tìm kiếm

Định nghĩa dự án

Table of Contents

Trong cuộc sống, chúng ta thường xuyên bắt gặp thuật ngữ “Dự án” trên nhiều phương tiện truyền thông như truyền hình, phát thanh, báo chí, internet… Không những thế, phần đông mỗi người trong chúng ta đều đã từng tham gia ít nhất 1 dự án nào đó, đó có thể là 1 cuộc thi ở trường , 1 hoạt động ở địa phương hay 1 hoạt động của công ty.

Các dự án xuất hiện ở mọi nơi và dưới mọi quy mô, từ những dự án của 1 người, ví dụ như việc học 1 kỹ năng nào đó, cho đến những dự án có sự tham gia của hàng ngàn, hàng trăm ngàn người, ví dụ như việc xây dựng Kim Tự Tháp Giza ở Ai Cập, Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc .v.v… Vòng đời của mỗi dự án có thể kéo dài từ vài ngày cho đến nhiều năm.

Tuy quen thuộc như vậy nhưng có thể không nhiều người thực sự hiểu dự án là gì. Để trả lời cho câu hỏi này, trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về định nghĩa và các thành phần của 1 dự án.

Infographic of Project definition – JustPassion | Pinterest

Định nghĩa dự án

Theo PMI (Project Management Institute), một dự án được định nghĩa là

Dự án là một nỗ lực tạm thời được thực hiện để tạo ra một sản phẩm, dịch vụ, hay kết quả duy nhất.

Theo PMBOK 6th, PMI

Từ định nghĩa trên, chúng ta có thể thấy rằng có 2 thành phần tạo nên 1 dự án, đó là “nỗ lực tạm thời” và “sản phẩm, dịch vụ hay kết quả duy nhất”. Vậy ý nghĩa của chúng là gì? Chúng ta hãy cùng đi sâu hơn để có được cái nhìn rõ hơn về 2 thành phần này.

Nỗ lực tạm thời

Mỗi dự án là 1 nỗ lực tạm thời, trong đó:

  • Nỗ lực” là sự cố gắng để thực hiện 1 việc gì đó. Việc hoàn thành 1 dự án luôn ẩn chứa nhiều khó khăn và thách thức.
  • Tạm thời” ý chỉ rằng 1 dự án phải có điểm bắt đầu và kết thúc xác định. “Tạm thời” ở đây không có nghĩa là dự án phải được thực hiện trong một khoảng thời gian ngắn.

1 dự án sẽ kết thúc khi 1 trong các điều sau xảy ra:

  • Các mục tiêu của dự án đã đạt được.
  • Các mục tiêu của dự án sẽ hoặc không thể đạt được.
  • Dự án không có kinh phí, hoặc là kinh phí đã hết.
  • Dự án không còn cần thiết nữa (ví dụ: khách hàng không còn muốn hoàn thành dự án nữa, thay đổi trong chiến lược hoặc độ ưu tiên kết thúc dự , việc quản lý của tổ chức đưa ra chỉ thị kết thúc dự án)
  • Nguồn lực dành cho dự án (người, vật chất) không còn nữa.
  • Dự án bị hủy bỏ do những lý do về pháp lý.

Các dự án là tạm thời, nhưng sản phẩm của chúng có thể tồn tại vượt ngoài vòng đời của chính dự án đó.

Sản phẩm, dịch vụ hay kết quả duy nhất

Mục tiêu của 1 dự án là để tạo ra sản phẩm, dịch vụ hay kết quả duy nhất. Ở đây, “duy nhất” ý chỉ rằng sản phẩm, dịch vụ hay kết quả đó phải là độc nhất đối với từng dự án. Ví dụ, việc vận hành 1 dây chuyền sản xuất không được xem là dự án, vì chúng tạo ra những sản phẩm giống nhau trong suốt quá trình vận hành.

Mục tiêu của dự án hoàn thành bằng việc cung cấp các sản phẩm có thể bàn giao (deliverable). 1 sản phẩm bàn giao được định nghĩa là bất kỳ sản phẩm, kết quả hoặc khả năng độc nhất và có thể kiểm chứng. Sản phẩm bàn giao có thể là hữu hình hoặc vô hình.

Dự án có thể tạo ra 1 hoặc nhiều sản phẩm bàn giao sau:

  • 1 sản phẩm duy nhất hoặc là 1 thành phần của 1 sản phẩm khác.
  • 1 bản nâng cấp hay sửa lỗi của 1 sản phẩm khác.
  • 1 dịch vụ duy nhất hay 1 khả năng để thực hiện 1 dịch vụ.
  • 1 sự kết hợp độc đáo của 1 hoặc nhiều sản phẩm, dịch vụ, hoặc kết quả.

Các thành phần lặp đi lặp lại có thể có mặt trong 1 vài hoạt động và sản phẩm bàn giao của dự án. Việc lặp lại này không thay đổi các đặc điểm nền tảng và độc nhất của dự án.

Một số ví dụ về dự án

Từ định nghĩa ở trên, chúng ta hãy thử nhìn lại các hoạt động thường ngày trong cuộc sống và đánh giá xem liệu chúng có thể được gọi là 1 dự án hay không?

Ví dụ 1: Học 1 kỹ năng mới

Tôi muốn học lập trình trong 6 tháng, vậy việc học này có thể được xem là 1 dự án không?

  • Việc học lập trình có thời hạn nhất định, có thời gian bắt đầu và kết thúc cụ thể.
  • Kết quả của việc học này là tôi có thể viết được các chương trình máy tính (1 khả năng), và có thể được kiểm chứng. Khả năng này là duy nhất, tức là việc học 1 kỹ năng khác sẽ không mang lại cho tôi kỹ năng này.
  • => Như vậy, việc học kỹ năng lập trình trong 6 tháng có thể xem là 1 dự án.
Ví dụ 2: Tập thể dục

Mỗi ngày, tôi đều tập thể dục, vậy việc tập thể dục có được xem là 1 dự án không?

  • Việc tập thể dục không có thời gian bắt đầu và kết thúc cụ thể.
  • Việc tập thể dục không tạo ra 1 kết quả độc nhất và không thể kiểm chứng.
  • Kết luận: Việc tập thể dục không thể được xem là 1 dự án.
Ví dụ 3: Tạo báo cáo công việc

Trong công việc, tôi cần tạo các báo cáo công việc hàng ngày, hàng tuần và hàng tháng. Vậy việc tạo báo cáo này có thể được xem là 1 dự án không?

  • Việc tạo báo cáo không có điểm bắt đầu và kết thúc cụ thể.
  • Kết quả của việc tạo báo cáo (các báo cáo) không là duy nhất.
  • Như vậy, việc tạo báo cáo không được xem là 1 dự án.

Kết luận

Ở trên, chúng ta đã lần lượt tìm hiểu về khái niệm và các thành phần của 1 dự án. Từ đây, mỗi người chúng ta đã có thể trả lời được câu hỏi “Dự án là gì”. Chúng ta kết thúc bài tìm hiểu ở đây và sẽ tiếp tục tìm hiểu sâu hơn về các kiến thức liên quan đến dự án ở những bài viết tiếp theo.

Cảm ơn các bạn đã quan tâm đến bài viết này.

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *