Trong bài viết này, người viết sử dụng chữ “gym” để đại diện cho các hình thức tập luyện thể dục, thể thao nói chung. Các bạn có thể thay thế bằng bất kỳ môn thể thao nào mà mình thích.
Công việc và gym, 2 từ này thoạt nghe thì có vẻ như chẳng liên quan gì đến nhau, nhưng ở góc nhìn của mình, bản thân người viết lại thấy giữa chúng có nhiều điểm tương đồng với nhau.
Vì sao công việc và gym lại giống nhau?
Mỗi ngày, chúng ta dành 8 tiếng để làm việc. Chúng ta làm việc để kiếm tiền, để thăng tiến, để phát triển bản thân… Nói cách khác, chúng ta làm việc để có cuộc sống tốt hơn. Và sau 1 ngày làm việc, cơ thể chúng ta sẽ mệt mỏi, chúng ta sẽ cần nghỉ ngơi để tái tạo năng lượng cho ngày làm việc tiếp theo.
Tương tự, mỗi ngày chúng ta cũng sẽ dành ra từ 30 – 60 phút để tập gym. Chúng ta tập gym để tăng cường sức khỏe, để giảm stress, phòng chống bệnh tật… Giống như công việc, việc tập gym cũng giúp chúng ta có cuộc sống tốt hơn. Và sau thời gian tập luyện, cơ thể chúng ta cũng sẽ mệt mỏi và cũng sẽ cần nghỉ ngơi để phục hồi.
Công việc và gym khác nhau như thế nào?
Khi chúng ta làm 1 việc gì đó, để đánh giá hiệu suất, chúng ta sẽ sử dụng 2 đại lượng là lượng công việc và khoảng thời gian cần thiết để hoàn thành lượng công việc đó. Cùng 1 khoảng thời gian, nếu ta làm được nhiều việc hơn, tức là chúng ta đang làm việc hiệu quả. Tương tự, trong 1 buổi tập gym (lấy mục tiêu là lượng năng lượng cần đốt) thì trong cùng 1 khoảng thời gian, ai đốt được nhiều năng lượng hơn thì người đó sẽ có buổi tập gym hiệu quả hơn.
Thế nhưng, cuộc sống ngày càng khắt nghiệt, nó buộc chúng ta phải làm việc nhiều hơn. Trong khi thời gian tập gym của chúng ta thường không đổi, thì thời gian, hay chính là khối lượng công việc, của chúng ta đang ngày càng tăng lên.
Để giải quyết được khối lượng công việc ngày càng tăng, chúng ta thường có 2 lựa chọn:
- Làm việc nhiều hơn, hay còn gọi là tăng ca (cách dễ dàng).
- Làm nhanh hơn, hay chính là tăng năng suất lao động (cách khó khăn hơn).
Vì sao tăng ca lại là cách dễ dàng?
Khi tăng ca, điều thay đổi duy nhất là thời gian mà ta cần bỏ ra để hoàn thành làm việc. Một ngày làm việc tiêu chuẩn thường kéo dài khoảng 8 giờ, nếu lượng công việc tăng lên, chúng ta sẽ làm 9 giờ, 10 giờ, đôi khi là 12 – 14 giờ.
Chúng ta không cần phải thay đổi cách làm việc hiện tại. Nếu ta thấy đói, đã có thức ăn nhanh. Nếu ta thấy mệt, đã có cafe và các loại đồ uống tăng lực. Và nếu ta cảm thấy stress, thì thuốc lá, rượu và các chất kích thích sẽ “hỗ trợ” ta.
Ở một góc độ nào đó, xã hội hiện nay đang sùng bái sự bận rộn, phần đông đang lấy sự bận rộn làm thước đo cho sự “thành công” của mình. Phần đông xã hội đang cho rằng tăng ca là tốt, và điều này trở thành quy chuẩn tại 1 số quốc gia và xã hội. Và còn điều gì “dễ dàng” hơn khi ta đang làm điều mà được cả xã hội “ca ngợi”.
Vậy con đường khó khăn là gì?
Có 1 nghịch lý rằng loài người là sinh vật “cả thèm chóng chán“, nhưng phần đông lại sợ thay đổi. Chọn thay đổi là chúng ta phải chấp nhận thực tế rằng chúng ta chưa tốt, và con đường thay đổi luôn khó khăn và chứa nhiều thách thức. Quá trình thay đổi bao gồm:
- Học hỏi
- Thử nghiệm.
- Thất bại.
- Học hỏi từ thất bại.
- Tiếp tục học hỏi và thử nghiệm.
Học chưa bao giờ là 1 điều dễ dàng, quá trình học – sai – sửa sai này sẽ lặp lại nhiều lần, cho đến khi chúng ta nhận được kết quả mong muốn. Đây là 1 quá trình đầy khó khăn, gian khổ mà phần đông mọi người sẽ từ bỏ trước khi họ kịp thu được trái ngọt.
Vậy nếu tôi chọn con đường dễ dàng thì sao?
Khi tăng ca, chúng ta thường có tâm lý rằng “Ráng thêm 1 chút rồi xong“. Nhưng đời thì thường không như mơ, có 1 nghịch lý rằng (vâng, lại thêm 1 nghịch lý nữa, cuộc sống này đầy những nghịch lý) càng làm nhiều thì con người ta càng bận rộn. Công việc tự bản thân nó luôn sinh ra để lấp đầy thời gian của chúng ta. Tạo hóa ban cho tất cả mọi người 24 giờ/ngày, khi ta dành nhiều thời gian cho công việc, đồng nghĩa với việc rằng ta phải hi sinh thời gian của ta cho những việc khác, đó có thể là thời gian dành cho gia đình, cho những sở thích cá nhân, cho việc học hỏi, trải nghiệm những điều mới, thậm chí chính là thời gian tập gym của chúng ta.
Kết
Thời gian trôi qua sẽ không thể lấy lại. Khi hấp hối, ít ai nói rằng họ hạnh phúc vì đã bận rộn cả đời. Điều chúng ta cần là 1 cuộc đời ý nghĩa, không phải 1 cuộc đời bận rộn.
Nếu chúng ta có thể đặt giới hạn cho việc tập gym, vậy sao ta không đặt giới hạn cho công việc. Đối với công việc, chúng ta cũng nên tự đặt giới hạn cho bản thân, và tuân thủ nó. Vào cuối ngày, trừ trường hợp không thể kéo dài thêm, thì chúng ta hãy nên gác lại công việc hiện tại dù nó đã hoàn thành hay chưa. Nếu công việc chưa hoàn thành, thì ngày hôm sau hãy tìm ra cách làm tốt hơn. Hãy dành thời gian cho bản thân, cho gia đình và dành thời gian để học những điều mới.
Trên đây là những suy nghĩ và đánh giá chủ quan của người viết, có thể chúng không phù hợp với bạn, nhưng tôi hi vọng rằng những ý kiến của mình sẽ giúp được bạn phần nào.
Cám ơn các bạn vì đã quan tâm đến bài viết này!